Marketing ngân hàng là gì? Các chiến lược MKT hàng đầu

Marketing ngân hàng là gì? Các chiến lược Marketing hàng đầu 

Chia sẻ kinh nghiệm

Marketing ngân hàng là gì? Marketing ngân hàng có đặc điểm và vai trò ra sao? Các chiến lược marketing nên áp dụng để đạt được hiệu quả cao là gì? Hãy cùng Viecnganhang khám phá các nội dung trên qua bài viết dưới đây!

Marketing ngân hàng là gì?

Marketing ngân hàng là hoạt động truyền thông, quảng bá, giúp ngân hàng đến gần hơn với công chúng. Hoạt động này hướng tới tìm hiểu nhu cầu, lên kế hoạch tận dụng nguồn lực để đáp ứng tối đa nhu cầu của công chúng. Mục đích cuối cùng là giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu về tài chính và danh tiếng.

>> Tham khảo thêm: Tìm Hiểu Về Các Phòng Ban Trong Ngân Hàng

Vai trò của Marketing ngân hàng là gì?

Marketing ngân hàng có vị thế vô cùng quan trọng trong kinh doanh và xây dựng thương hiệu. Cụ thể:

Cầu nối giữa thị trường và ngân hàng

Nói marketing ngân hàng như một chiếc cầu nối vì đây là bộ phận khai thác và thấu hiểu được nhu cầu của thị trường. Marketing biết rằng thị trường hiện nay đang cần gì, khách hàng có nhu cầu ra sao. Từ đó, đề xuất, xây dựng các chiến lược định hướng cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng sao cho phù hợp với nhu cầu đó.

Các dịch vụ ngân hàng số
Marketing là cầu nối giữa thị trường và ngân hàng

Bên cạnh đó, marketing ngân hàng còn giúp đẩy mạnh tiềm năng kêu gọi vốn đầu tư. Thông qua marketing, ban quản trị của ngân hàng có thể phát đi thông điệp để thu hút các nhà đầu tư. Cho họ thấy tiềm năng, cơ hội thu lời từ việc gửi tiết kiệm, cho thuê hoặc rót vốn vào ngân hàng. 

Góp phần giải quyết các vấn đề cơ bản trong hoạt động kinh doanh 

Bộ phận marketing ngân hàng tham gia vào rất nhiều khâu trong hoạt động kinh doanh như: 

  • Định vị sản phẩm, dịch vụ
  • Xác định chân dung khách hàng
  • Nghiên cứu, đánh giá thị trường tiềm năng
  • Thu thập đánh giá, phản hồi của khách hàng
  • Kêu gọi, thuyết phục khách mua hàng. Thúc đẩy doanh số
Nghiên cứu đánh giá thị trường
Marketing tham gia giải quyết các vấn đề cơ bản trong hoạt động kinh doanh

Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tuy không thuộc khối front office, không trực tiếp tiếp xúc với khách hàng và tạo ra doanh thu. Nhưng marketing giữ vai trò là chất xúc tác để ngân hàng kinh doanh hiệu quả hơn.

>> Tham khảo thêm: Back Office Và Front Office Là Gì? Sự Khác Nhau Của 2 Khái Niệm

Nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường

Marketing ngân hàng trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra vị thế cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường. Bộ phận marketing chịu trách nhiệm định hướng cho bộ phận R&D để tạo ra những dịch vụ độc đáo, khác biệt và giải quyết vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Ngoài ra, marketing còn tìm ra cách để quảng cáo, làm sản phẩm trở nên nổi bật trên thị trường. 

Hơn hết, marketing hướng đến nâng cao độ phủ của thương hiệu trên thị trường. Bằng cách nhấn vào điểm mạnh, vào những thành tựu ngân hàng đã đạt được, marketing giúp nâng cao danh tiếng của ngân hàng. Càng được nhiều người biết đến, thị phần của ngân hàng càng mở rộng. Vị thế cũng theo đó được nâng cao. 

Đặc điểm của Marketing ngân hàng là gì?

Tính vô hình

Hoạt động của ngân hàng không giống như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác. Sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng không hiện hữu rõ ràng mà buộc khách hàng phải đánh giá bằng trải nghiệm. 

Các dịch vụ ngân hàng
Tính vô hình là một thách thức đối với bộ phận marketing

Đặc điểm này chính là một thách thức đối với bộ phận marketing. Làm sao để truyền tải, quảng bá một dịch vụ có tính vô hình nhưng vẫn phải khiến khách hàng hiểu được lợi ích mà họ nhận được khi lựa chọn dịch vụ ấy. 

Tính không phân chia, tách rời

Đặc điểm thứ hai của marketing ngân hàng có lẽ cũng là đặc điểm chung của các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đó là hoạt động marketing luôn phải đi song song với hoạt động kinh doanh, chăm sóc khách hàng và phát triển sản phẩm/dịch vụ. 

Trong khi marketing phụ trách nhiệm vụ quảng bá, thu hút khách hàng thì bộ phận sale sẽ tư vấn, thuyết phục nguồn khách hàng do marketing thu hút được. Bên cạnh đó trong quá trình tìm hiểu, đánh giá thị trường và khách hàng tiềm năng, marketing sẽ thu thập được các thông tin về nhu cầu của khách hàng, về phản hồi đối với sản phẩm/dịch vụ. Lúc này, bộ phận chăm sóc khách hàng và phát triển sản phẩm cần phối hợp với marketing để cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Phối hợp các hoạt động trong kinh doanh
Marketing luôn phải song hành với các hoạt động khác trong ngân hàng

Đây là quy trình lặp lại và không tách rời. Sự phối hợp trơn tru, hiệu quả của từng hoạt động trong quy trình sẽ giúp ngân hàng phát triển tốt hơn từng ngày. 

>> Tham khảo thêm: Làm Sale Ngân Hàng Lương Bao Nhiêu? Có Vất Vả Không?

Tính không ổn định, đồng nhất

Sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng không có tính ổn định, đồng nhất như những sản phẩm, dịch kinh doanh khác. Nguyên nhân là do thị trường tài chính luôn luôn biến động. Giá trị của đồng tiền, cổ phiếu, trái phiếu hay bất kỳ hình thức nào khác đều thay đổi nhanh chóng theo xu hướng phát triển của nền kinh tế. 

Chưa kể chất lượng dịch vụ của ngân hàng còn là do tư duy tài chính của từng người. Vì vậy, marketing ngân hàng chỉ nên tập trung vào chính sách, các khoản hỗ trợ mà ngân hàng đưa ra. Đồng thời quảng bá chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng, thái độ tư vấn chuyên nghiệp, tận tình của nhân viên. Không nên đảm bảo tính ổn định, đồng nhất về lợi nhuận mà ngân hàng mang lại.

Các chiến lược Marketing ngân hàng nên ứng dụng

Để thu hút khách hàng, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng cần có các chiến lược Marketing hợp lý, phù hợp với xu hướng của thị trường trong từng thời điểm. Sau đây là một số chiến lược marketing ngân hàng nên ứng dụng để đạt được mục tiêu:

Các chiến lược marketing
Các chiến lược Marketing ngân hàng nên ứng dụng

Chiến lược 7P

Đây là chiến lược marketing điển hình cho các sản phẩm, dịch vụ vô hình. 7P bao gồm: Product, Price, Place, Promotion, People, Process và Physical Evidence. Chiến lược này tập trung vào 7 yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp định hình mục đích, cách thức marketing một cách toàn diện nhất. 

Product (Sản phẩm)

Chữ P đầu tiên trong chiến lược giúp ngân hàng trả lời cho câu hỏi: Sản phẩm/dịch vụ mà ngân hàng định phát triển là gì? Tại sao lại là sản phẩm/dịch vụ ấy? Tính năng nổi bật của sản phẩm/dịch vụ là gì? 

Thông thường, các ngân hàng thương mại sẽ kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ sau:

  • Dịch vụ mở thẻ tiết kiệm, thẻ ghi nợ
  • Tư vấn đầu tư tài chính
  • Cho vay
  • Tư vấn các gói bảo hiểm tài chính
  • Môi giới đầu tư chứng khoán

Price (Giá cả)

Khi lập chiến dịch marketing, bạn cần nghiên cứu xem giá cả của sản phẩm/dịch vụ tương tự trên thị trường là bao nhiêu? Khách hàng sẵn sàng chi trả cho mặt hàng này với mức giá bao nhiêu? Mức giá ngân hàng đang đặt ra sẽ phù hợp với nhóm đối tượng nào?

Chất lượng, dịch vụ, giá cả
Giá cả là một trong những tiêu chí cần cân nhắc kỹ lưỡng trong marketing ngân hàng

Từ những dữ liệu thu thập được, bộ phận marketing cần làm việc với các bộ phận khác để hoạch định chiến lược giá sao cho phù hợp và cân bằng được lợi ích cho cả ngân hàng lẫn khách hàng. 

Place (Địa điểm)

Nghiên cứu về Place – Địa điểm. Với lĩnh vực ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ là vô hình nhưng địa điểm phân phối sản phẩm, dịch vụ là hữu hình. Những địa điểm này chính là các chi nhánh ngân hàng. Nhiệm vụ của bộ phận Marketing là khảo sát thị trường để lựa chọn địa điểm phù hợp có độ phủ khu vực lớn, ở vị trí dễ nhìn để tận dụng truyền thông thương hiệu.

Hiện nay, các ngân hàng đều đã mở rộng kênh phân phối online bằng việc phát triển ứng dụng ngân hàng. Điều này giúp ngân hàng tiếp cận với đông đảo đối tượng hơn. Đồng thời hỗ trợ khách hàng tương tác một cách tiện lợi và nhanh chóng hơn. 

>> Tham khảo thêm: TOP Các Ngân Hàng Số Tại Việt Nam Uy Tín, Chất Lượng Tốt

Promotion (Truyền thông)

Truyền thông là một hoạt động nhỏ trong marketing. Trong đó, bạn phải trả lời được câu hỏi: Thông điệp mà ngân hàng muốn gửi gắm là gì? Ngân hàng có thể tổ chức những hoạt động quan hệ công chúng nào để truyền thông thông điệp đến khách hàng? Các chương trình khuyến mãi, ưu đãi nào phù hợp với loại hình sản phẩm/dịch vụ này? 

Truyền thông marketing
Truyền thông là một hình thức xúc tiến bán hàng

Hoạt động truyền thông là một hình thức xúc tiến bán hàng. Hoạt động này trực tiếp tác động vào nhóm khách hàng tiềm năng và kích cầu của họ trong một (hoặc một vài) thời điểm nhất định. 

People (Con người)

People chỉ những nhân sự tham gia vào chiến dịch marketing của ngân hàng. Vấn đề cần làm rõ là: Những ai tham gia vào chiến dịch marketing này? Bộ phận nào là gương mặt đại diện cần được khai thác và quảng bá? Nhiệm vụ của từng bộ phận tham gia là gì? Họ chịu trách nhiệm với ai? Báo cáo cho ai về hiệu suất và vấn đề gặp phải?

Từ nhân viên bộ phận marketing cho đến những nhân sự liên quan trong chiến dịch marketing như nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, giao dịch viên hoặc bảo vệ đều cần có thái độ đúng mục, nghiệp vụ vững vàng để làm tốt nhiệm vụ của mình.

>> Tham khảo thêm: Nghiệp Vụ Giao Dịch Viên Là Làm Gì? Những Tố Chất Cần Có

Processes (Quy trình)

Quy trình có ảnh hưởng không nhỏ đến sự đánh giá của khách hàng đối với ngân hàng. Câu hỏi cần được giải quyết là: Quy trình làm việc của ngân hàng đã ngắn gọn, thuận tiện cho khách hàng chưa? Còn khâu nào có thể tinh giản hoặc tối ưu hay không?

Tối giản quy trình kinh doanh
Nghiên cứu cách tối giản quy trình để tăng sự hài lòng của khách hàng

Quy trình nhanh, gọn, không thủ tục phức tạp sẽ tạo cho khách hàng sự hài lòng vì tiết kiệm được thời gian. Hiện nay, đa phần các ngân hàng đều chuyển đổi sang hình thức ngân hàng điện tử. Bởi các tính năng của hình thức này giúp quy trình thanh toán, chuyển tiền, làm hồ sơ, v.vv của khách hàng nhanh gọn hơn. 

Physical Evidence (Bằng chứng vật lý)

Bằng chứng vật lý là các yếu tố mà con người có thể nhìn thấy hoặc sờ được. Trong lĩnh vực ngân hàng, những yếu tố này chính là thẻ ngân hàng, cơ sở vật chất, bằng khen, xếp hạng của các tổ chức uy tín, v.vv. 

Một trong những chiến lược marketing ngân hàng phổ biến hiện nay là cho phép khách hàng tự do lựa chọn số tài khoản theo ý muốn. Bên cạnh đó, các loại thẻ ngân hàng cũng ngày càng được chú trọng để có thiết kế bắt mắt hơn. Ví dụ, Techcombank hiện đã cho phép khách hàng tự chọn mẫu mã để in lên thẻ.

Chiến lược Marketing đa nền tảng

Chiến lược này nhắm vào mở rộng kênh truyền thông, quảng cáo của ngân hàng. Nếu như lúc trước, hoạt động marketing chỉ tập trung ở một nền tảng nào đó thì hiện nay, các ngân hàng nên đẩy mạnh hoạt động quảng bá ở đa nền tảng, bao gồm:

  • Website riêng của ngân hàng
  • Website chuyên đánh giá, xếp hạng, review ngân hàng và dịch vụ tài chính
  • Facebook
  • Twitter
  • Youtube
  • TikTok
Các hình thức trong digital marketing
Marketing đa nền tảng để mở rộng mạng lưới tiếp cận khách hàng

Càng đa dạng nền tảng quảng cáo, ngân hàng càng tiếp cận được với nhiều đối tượng hơn. Tuy nhiên, bộ phận marketing ngân hàng vẫn phải tập trung thiết kế nội dung, hình ảnh quảng cáo sao cho phù hợp với tệp khách hàng mục tiêu. Không nên mở rộng kênh truyền thông tràn lan và để nội dung quảng cáo lan man, không có trọng tâm.

Chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng 

Trong chiến lược này, bộ phận marketing có nhiệm vụ kêu gọi khách hàng tham gia các dịch vụ cải tiến, nâng cao của ngân hàng. Chẳng hạn như mở thẻ online, liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử, thanh toán hóa đơn sinh hoạt qua tài khoản ngân hàng,… Xã hội càng phát triển, yêu cầu của khách hàng càng nâng cao. Vì vậy, chú trọng giải quyết các nhu cầu của khách hàng là điều tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thịnh vượng trên thị trường. 

Như vậy bài viết đã cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động, vai trò cũng như đặc điểm của marketing ngân hàng. Đồng thời đề xuất các chiến lược marketing mà ngân hàng hiện nay nên áp dụng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của marketing ngân hàng. Nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm các công việc ngân hàng, đừng quên truy cập ngay TopCV để tiếp cận với hàng ngàn cơ hội việc làm chất lượng hàng đầu thị trường!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *