Học tài chính doanh nghiệp ra làm gì là thắc mắc của không ít bạn trẻ khi chọn ngành, chọn nghề. Qua bài viết dưới đây, Vieclamnganhang.vn sẽ giúp bạn trả lời thắc mắc trên, đồng thời mang đến cái nhìn cụ thể, bao quát nhất về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp là gì?
Tài chính doanh nghiệp là ngành nghề liên quan đến quản lý hệ thống tài chính, ngân sách trong doanh nghiệp. Bao gồm việc kiểm soát các dòng tiền thu, chi, đầu tư sao cho hợp lý và sinh lời nhiều nhất có thể. Cụ thể, công việc này sẽ gắn với các hoạt động đọc, lập, phân tích báo cáo tài chính. Từ đó đưa ra đánh giá về tình hình kinh doanh, lên kế hoạch cân đối tài chính, sản xuất, đầu tư phù hợp.
Tài chính doanh nghiệp là một lĩnh vực rất quan trọng trong mọi công ty, tổ chức. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào khái niệm, rất nhiều người vẫn chưa thể hình dung chính xác học tài chính doanh nghiệp ra làm gì. Vậy hãy cùng Viecnganhang đi sâu vào nội dung đào tạo của ngành Tài chính doanh nghiệp để có cái nhìn cụ thể hơn.
>> Tìm hiểu thêm: Chuyên Viên Tài Chính Là Gì? Những Kỹ Năng Cần Có
Tài chính doanh nghiệp học những gì?
Về kiến thức
Bên cạnh những môn kiến thức chung như: Tin học cơ sở, ngoại ngữ cơ sở, pháp luật đại cương, kinh tế vi mô, vĩ mô, marketing căn bản, nguyên lý kế toán, lý thuyết tài chính – tiền tệ, v.vv, bạn sẽ bắt đầu được học các nội dung chuyên sâu hơn về Tài chính ngân hàng từ nửa cuối năm hai trở đi.
Những môn học này sẽ trang bị cho bạn:
- Kiến thức toàn diện về ngành Tài chính, bao gồm: Các quy luật kinh tế – tài chính, các chính sách tài chính Nhà nước, cách phân tích, đánh giá, dự báo, quản trị các chỉ số kinh tế ở mức đơn giản, v.vv.
- Kiến thức chuyên sâu về các mảng nhỏ hơn trong lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp như: Thiết lập và dự báo giá, quản trị tài chính công ty đa quốc gia, quản trị tài chính các công ty nhỏ lẻ và tập đoàn lớn, v.vv.
- Kiến thức về các mảng phụ liên quan đến tài chính doanh nghiệp: Luật Tài chính, luật Ngân hàng, kế toán thuế, kế toán doanh nghiệp, hệ thống thông tin quản lý, v.vv.
Về kỹ năng
Chương trình đào tạo của ngành Tài chính doanh nghiệp sẽ giúp bạn trau dồi một số kỹ năng cơ bản để có đủ khả năng thực hiện những nghiệp vụ đơn giản trong các doanh nghiệp như:
- Kỹ năng phân tích dữ liệu, đưa ra đánh giá sơ bộ về các chỉ số kinh tế trong doanh nghiệp.
- Kỹ năng sử dụng các phần mềm cơ bản phục vụ cho việc theo dõi, tính toán chỉ số tài chính.
- Tư duy logic, nhanh nhạy với những thay đổi về thu, chi, doanh số, lợi nhuận.
- Khả năng tự cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến tài chính để phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ.
- Phát hiện, xử lý các dấu hiệu bất thường về tài chính doanh nghiệp nhằm đảm bảo sức khỏe kinh tế cho doanh nghiệp.
- Có kỹ năng tham gia góp ý, tư vấn chuyên môn về tài chính.
- Có khả năng điều tiết nguồn vốn tốt, biết phân bổ thu chi hợp lý, rất phù hợp để quản lý doanh nghiệp và khởi nghiệp.
>> Tìm hiểu thêm: Top 8 Chứng Chỉ Tài Chính, Kế Toán Được Đánh Giá Cao
Học tài chính doanh nghiệp ra làm gì?
Với việc được trang bị những kiến thức và kỹ năng trên, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường. Sau đây là những gợi ý giúp bạn giải đáp thắc mắc học tài chính doanh nghiệp ra làm gì?
Học tài chính doanh nghiệp xong làm việc ở đâu?
Sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính doanh nghiệp có thể làm việc cho nhiều loại hình công ty khác nhau như:
- Công ty tư vấn tài chính.
- Doanh nghiệp môi giới bất động sản.
- Các sàn chứng khoán, công ty môi giới chứng khoán.
- Các doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ khác (F&B, văn phòng phẩm, du lịch, v.vv).
- Trung tâm đào tạo lĩnh vực tài chính.
Ngoài ra, bạn còn có thể làm việc theo hình thức freelance. Tức là nhận công việc hoạch định, tư vấn tài chính theo thời điểm cho các doanh nghiệp, cá nhân. Để làm việc freelance, bạn cần có mối quan hệ rộng và xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt.
Học tài chính doanh nghiệp có thể làm những công việc gì?
Sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính doanh nghiệp thường sẽ hướng đến những công việc sau:
Quản lý bất động sản
Làm quản lý bất động sản là thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, theo dõi quá trình khai thác và sử dụng bất động sản của doanh nghiệp. Do bất động sản là một tài sản đặc biệt, có giá trị cao, quá trình sử dụng cần sự theo dõi, giám sát thường xuyên nên doanh nghiệp sẽ cần có bộ phận riêng để quản lý lĩnh vực này.
Người làm quản lý bất động sản sẽ phụ trách định giá nhà, đất, quản lý giá trị của bất động sản qua từng thời điểm. Trên cơ sở đó đưa ra tham vấn với cấp trên về cách sử dụng hợp lý. Các vấn đề mà nhà quản lý bất động sản cần tham gia góp ý với cấp trên gồm:
- Hoạch định đầu tư xây dựng các hạng mục nhà ở, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí, v.vv sao cho có lợi trong việc kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kế hoạch cho thuê hoặc nhượng quyền sử dụng bất động sản.
- Kế hoạch mua bất động sản nhằm mục đích đầu tư, sử dụng của doanh nghiệp.
Kế toán doanh nghiệp
Kế toán là một gợi ý không tệ cho câu hỏi học tài chính doanh nghiệp ra làm gì. Vị trí kế toán trong các doanh nghiệp thường đảm nhiệm các nhiệm vụ:
- Theo dõi tình hình thu chi của công ty.
- Lập báo cáo ngân sách doanh nghiệp, lập bảng cân đối kế toán.
- Thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
- Thực hiện nghĩa vụ lương thưởng, bảo hiểm với người lao động.
Chuyên viên phân tích tài chính
Là người nắm rõ quy luật, biến động trong giới tài chính. Họ chuyên đo lường các chỉ số kinh tế trong doanh nghiệp và trên thị trường để đánh giá tình hình sức khỏe tài chính của một công ty.
Cụ thể, công việc của một chuyên viên phân tích tài chính thường là:
- Thẩm định các vấn đề liên quan đến tài chính của các công trình, dự án mà doanh nghiệp có ý định đầu tư.
- Tìm kiếm nguyên nhân gây mất cân bằng tài chính doanh nghiệp.
- Phân tích xu hướng tài chính chung trong nước và trên thế giới để đưa ra nhận định về cách điều tiết thu chi của doanh nghiệp.
- Thực hiện các phân tích để lên kế hoạch huy động vốn, kêu gọi đầu tư.
- Đưa ra dự báo về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp như: Chính sách mới của Nhà nước, sự kiện chính trị trên thế giới, nhân tố cạnh tranh mới trong thị trường, v.vv.
>> Tìm hiểu thêm: Chuyên Viên Hoạch Định Tài Chính Là Gì? Làm Công Việc Gì?
Trở thành chuyên viên phân tích tài chính là một trong những con đường phổ biến nhất cho các bạn học ngành tài chính. Nếu còn phân vân học tài chính doanh nghiệp ra làm gì thì đừng bỏ qua gợi ý này!
Giám đốc tài chính doanh nghiệp (CFO)
Giám đốc tài chính doanh nghiệp là người đứng đầu hệ thống quản lý tài chính trong mỗi doanh nghiệp. Họ là người đảm bảo nguồn ngân sách luôn cân bằng và được sử dụng một cách tối ưu. Để làm được điều này, giám đốc tài chính phải:
- Tổ chức được bộ máy tài chính doanh nghiệp tinh gọn, hiệu quả. Từ các vị trí kế toán viên, kế toán trưởng, kiểm toán nội bộ đến chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp, v.vv, tất cả phải phối hợp chặt chẽ và ăn khớp với nhau về số liệu báo cáo.
- Đánh giá tổng thể tình hình tài chính doanh nghiệp.
- Nghiên cứu bức tranh tài chính toàn thị trường.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể về thu, chi, đầu tư trong doanh nghiệp.
- Nghiên cứu cách thức phân chia lợi nhuận phù hợp cho các cổ đông.
- Quản lý các rủi ro tài chính có thể xảy đến. Đưa ra các kịch bản ứng phó để giúp doanh nghiệp vững vàng trong những thời điểm khó khăn.
Đây là vị trí cấp cao. Vì vậy sinh viên mới tốt nghiệp chưa thể ứng tuyển vị trí này ngay. Tuy nhiên, học tài chính doanh nghiệp chính là bước đặt nền móng vững chắc để bạn vươn đến vị trí này trong tương lai.
>> Tìm hiểu thêm: Quản Trị Viên Tài Chính Là Gì? Bí Quyết Để Quản Trị Tài Chính Giỏi
Giảng viên tài chính
Bên cạnh việc tham gia vào hệ thống quản lý tài chính của các doanh nghiệp, bạn hoàn toàn có thể học lên Thạc sĩ, bổ sung các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng. Khi đó, bạn sẽ được nghiên cứu sâu hơn về các lý thuyết tài chính, tiền tệ.
Bên cạnh việc đứng lớp, bạn cũng hoàn toàn có thể nhận dự án đánh giá tình hình tài chính cho các doanh nghiệp trên thị trường hoặc đứng lớp dạy các khóa quản lý tài chính ngắn hạn cho CEO của các doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp học trường nào?
Nếu đã hình dung được học tài chính doanh nghiệp ra làm gì, hẳn bạn sẽ muốn biết những trường Đại học uy tín đào tạo ngành nghề này. Vậy nên lựa chọn học tài chính doanh nghiệp ở đâu? Sau đây là một vài gợi ý cho bạn:
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Học viện Tài chính
- Đại học Ngoại thương
- Học viện Ngân hàng
- Đại học Mở Hà Nội
- Đại học Kinh tế – Đại học quốc gia Hà Nội
- Đại học Kinh tế – Đại học Huế
- Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
- Đại học Vinh
- Đại học Duy Tân
- Đại học Kinh tế – Tài chính – Đại học quốc gia TP. HCM
- Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.
- Đại học Tôn Đức Thắng
Mỗi trường Đại học sẽ có những tiêu chí tuyển sinh riêng. Tuy nhiên đa số các trường đại học trên đều tuyển sinh ngành Tài chính doanh nghiệp với các tổ hợp chính như:
- Tổ hợp A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- Tổ hợp A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh
- Tổ hợp C01: Toán, Văn, Vật lý
- Tổ hợp D01: Toán, Văn, Tiếng Anh
- Tổ hợp D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh
- Tổ hợp D90: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên
>> Tìm hiểu thêm: Mức Lương Tài Chính Ngân Hàng Mới Ra Trường Được Bao Nhiêu?
Như vậy, bài viết đã mang đến những thông tin chi tiết nhất về ngành Tài chính doanh nghiệp. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc học tài chính doanh nghiệp ra làm gì. Tuy là một ngành có phần hơi khô khan nhưng tài chính doanh nghiệp sẽ mở ra những cơ hội việc làm rất triển vọng cho bạn trong tương lai. Hãy theo dõi mục Chia sẻ kinh nghiệm của Vieclamnganhang.vn để đọc thêm những bài viết hữu ích khác. Đồng thời truy cập ngay TopCV.vn để tìm hiểu hàng loạt những việc làm uy tín, hấp dẫn trên thị trường.