Đóng vai trò then chốt trong các giao dịch kinh doanh, bảo lãnh ngân hàng là gì đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp. Chi tiết về bảo lãnh ngân hàng, mời bạn cùng theo dõi trong bài viết thuộc chuyên mục chia sẻ kinh nghiệm của Vieclamnganhang.vn!
Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Theo Điều 335 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) tiến hành cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) để thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) trong trường hợp đến thời hạn làm nghĩa vụ nhưng bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Vậy, bảo lãnh ngân hàng là gì? Bảo lãnh ngân hàng là một hình thức cấp tín dụng. Trong đó, tổ chức tín dụng sẽ cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức này sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi họ không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đúng như cam kết. Sau đó, khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả nợ cho tổ chức tín dụng theo thoả thuận ban đầu.
Đừng bỏ lỡ: Nên mua vàng hay gửi tiết kiệm? Hình thức nào sinh lời hơn?.
Đặc điểm của bảo lãnh ngân hàng
Bảo lãnh ngân hàng có những đặc điểm nổi bật sau đây:
- Bảo lãnh ngân hàng thường được thực hiện bởi tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tín dụng có thể đóng vai trò là bên bảo lãnh và là nhà kinh doanh ngân hàng.
- Giao dịch bảo lãnh ngân hàng bao gồm 02 hợp đồng, đó là hợp đồng cam kết bảo lãnh và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh.
- Giao dịch bảo lãnh ngân hàng là giao dịch kép.
- Bảo lãnh ngân hàng là hình thức bảo lãnh vô điều kiện (bảo lãnh độc lập).
- Giao dịch bảo lãnh ngân hàng chỉ căn cứ dựa trên chứng từ hợp lệ.
- Xét về tính pháp lý, bảo lãnh ngân hàng là một giao dịch thương mại hoặc hành vi thương mại đặc thù.
- Mọi nghĩa vụ của bên bảo lãnh đều được cam kết bằng văn bản theo đúng quy định.
Thư bảo lãnh ngân hàng là gì?
Khi nhắc tới bảo lãnh ngân hàng là gì, chúng ta chắc chắn phải đề cập tới khái niệm thư bảo lãnh ngân hàng. Cụ thể, thư bảo lãnh ngân hàng là cam kết bằng văn bản của ngân hàng dành cho đơn vị kinh doanh.
Nội dung của văn bản này đề cập tới việc ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính cho đơn vị kinh doanh trong một khoảng thời gian có giới hạn, khi đơn vị này không thực hiện hay thực hiện không đúng theo nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh ban đầu.
Xem thêm: Tổng hợp các mẹo gửi tiết kiệm ngân hàng không nên bỏ lỡ.
Quy trình bảo lãnh ngân hàng
Thông thường, quy trình bảo lãnh ngân hàng sẽ trải qua 06 bước cơ bản, bao gồm:
- Bước 01: Khách hàng thực hiện ký kết hợp đồng với đối tác theo yêu cầu (thanh toán, xây dựng, dự thầu v.vv..). Phía đối tác yêu cầu khách hàng cần có bảo lãnh ngân hàng.
- Bước 02: Khách hàng lập hồ sơ và gửi đề nghị bảo lãnh ngân hàng. Thủ tục hồ sơ cần đảm bảo một số loại tài liệu là giấy đề nghị bảo lãnh, hồ sơ pháp lý, hồ sơ mục đích, hồ sơ tài sản đảm bảo và hồ sơ tài chính kinh doanh.
- Bước 03: Ngân hàng tiến hành thẩm định về tính pháp lý, tính khả thi của dự án bảo lãnh; năng lực pháp lý của khách hàng, hình thức bảo đảm; khả năng tài chính của khách hàng. Khi được thông qua, ngân hàng và khách hàng sẽ tiến hành ký hợp đồng cấp bảo lãnh và thư bảo lãnh.
- Bước 04: Ngân hàng thông báo thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh. Trong thư đề cập rõ ràng tới các nội dung cơ bản của hợp đồng cấp bảo lãnh.
- Bước 05: Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh trong trường hợp phát sinh sự cố.
- Bước 06: Ngân hàng yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình (trả nợ gốc, phí, lãi v.vv..). Trong trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ, ngân hàng sẽ tiến hành thanh toán thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc đối với số tiền trả nợ thay theo lãi suất nợ quá hạn của khách. Lúc này, ngân hàng có thể áp dụng một số biện pháp cần thiết để thu hồi nợ như khởi kiện, trích tài khoản của khách hàng, phát mại tài sản đảm bảo v.vv..
Rủi ro trong bảo lãnh ngân hàng là gì?
Có thể nói, phát hành bảo lãnh ngân hàng là một loại hình nghiệp vụ cấp tín dụng chứa đựng khá nhiều rủi ro; đặc biệt với trường hợp ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Bên cạnh một số vấn đề liên quan tới việc truy đòi số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh, phía ngân hàng làm bảo lãnh còn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro pháp lý khác gắn liền với cam kết bảo lãnh của mình, bao gồm:
- Tự thanh toán số tiền bảo lãnh khi không phát sinh vi phạm.
- Gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh.
- Không thoả thuận rõ ràng phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh.
- Bên được bảo lãnh (khách hàng) phá sản.
- Thế quyền của bên thứ ba (bên nhận bảo lãnh).
Có thể bạn chưa biết: Ngân hàng thương mại là gì? Đặc điểm, vai trò.
Tổng kết
Nhìn chung, để bảo lãnh ngân hàng phát huy đúng chức năng, vai trò và hạn chế tối đa tranh chấp không đáng có, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng trước khi tham gia giao dịch này. Hy vọng rằng với những thông tin được Vieclamnganhang.vn chia sẻ trên đây, bạn đã nắm được khái niệm bảo lãnh ngân hàng là gì cũng như quy định, quy trình làm bảo lãnh ngân hàng đầy đủ.
Ngoài ra, nếu đang quan tâm tới các việc làm khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, bạn có thể truy cập vào TopCV.vn ngay để tạo CV theo mẫu miễn phí 100% và cập nhật nhanh chóng nhất những tin tức tuyển dụng với mức lương, đãi ngộ hấp dẫn hàng đầu!